Hoạ sĩ Vũ Trung Tần sáng tạo từ chiêm nghiệm và văn hoá Việt 

KNNT – Mỹ thuật là loại hình nghệ thuật không ồn ào, nhưng đủ sâu lắng để cho người xem cảm nhận tất thảy những gì đang diễn ra từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Thẩm mỹ của hoạ sĩ Vũ Trung Tần (1980) đến từ những quan sát của anh về những nhỏ bé xung quanh và những giá trị văn hóa truyền thống. 

Mỗi tác phẩm như một cách anh chầm chậm nhìn cuộc sống xung quanh được xuất phát từ tình yêu nghệ thuật. Các sáng tác gốm và hội họa của họa sĩ Vũ Trung Tần hiện đang trưng bày tại triển lãm Up Đam Mê 2024 (1), Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, 218A Pasteur, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sống chậm với góc nhìn hội họa 

Song hành sáng tạo hai loại hình thẩm mỹ là gốm và hội họa, riêng hội họa Vũ Trung Tần trải nghiệm nhiều đề tài, trong đó có tranh tĩnh vật với chất liệu acrylic, sơn dầu và sơn mài. Họa sĩ Vũ Trung Tần chia sẻ: “… mỗi tác phẩm ra đời là sự tương thông tinh thần của tôi với thế giới bao quanh. Ở đó, tôi nhìn thấy, hiểu, cảm nhận và xúc động trước những gì mình quan sát…” 

Hoạ sĩ Vũ Trung Tần
Hoạ sĩ Vũ Trung Tần

Từ tình yêu rất giản đơn với một góc nhỏ xinh của một bình gốm, hoa sen, không gian lặng thinh của hoa và nến, hay một tán cây chuyển sắc lẩn khuất đâu đó tiếng chim, một buổi sáng tinh khôi thưởng trà và ngẫm ngợi… Các tác phẩm Hoa xuân (sơn dầu, 2016), Cá vàng (sơn dầu, 2012), seri Tiếng chim (sơn mài), Trà sớm (Acrylic, 2018)…biểu thị rất rõ lựa chọn chầm chậm sống của mình. 

Hoạ sĩ Vũ Trung Tần

Dù sáng tạo trên nhiều chất liệu khác nhau, nhưng điểm chung cho toàn bộ những sáng tác của anh luôn hiện hữu sự êm dịu của khoảnh khắc sống, họa sĩ sáng tạo nghệ thuật cốt để thỏa mãn rung cảm êm đềm mà anh không muốn nó trôi đi theo giời gian sống vật lý. Không gian trong tĩnh vật của Vũ Trung Tân khá giống với hội họa thời kỳ đầu của trường phái nghệ thuật cổ điển phương Tây. Vừa tả thực nhưng lại rất bao quát, anh chắt chiu, tinh lọc cái đẹp, và “gói” chúng trong tĩnh vật. Chính vì lẽ đó mà phong vị hội họa của Vũ Trung Tần vừa nhẹ nhàng, nhưng lắng đọng, trầm ngâm rất riêng. Đủ để suy ngẫm, chiêm nghiệm về thế giới quan như một bản nhạc baroque (2) chữa lành tâm hồn, khơi gợi sự sáng tạo.

Chuyên nghiệp hóa truyền thống từ cốt yếu văn hóa Việt

Chuyên nghiệp hóa truyền thống là những gì dễ nhận thấy trong các sáng tác gốm của họa sĩ Vũ Trung Tần. Từ tinh thần văn Văn Lang Âu Lạc, đến tín ngưỡng phồn thực, hay những rung cảm về những diễn biến văn hóa xã hội đang diễn ra quanh mình. 

Hoạ sĩ Vũ Trung Tần

Tình yêu gốm nếu quan sát ở các sáng tác tĩnh vật sẽ thấy rõ qua kỹ thuật tả chất. Tuy nhiên, với gốm nghệ thuật, sự gạn lọc của anh lại trôi về các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt ta. Đó gọi là tiếp biến văn hóa. 

Ngắm nhìn các tác phẩm gốm của Vũ Trung Tân, từ những cái tên tác phẩm rất “thời thượng” như Mẹ bỉm sữa (Gốm sơn mài, 2023), seri Cao ốc thông minh (Gốm men, 2019), đến những sáng tác lấy cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống là seri Múa chày đôi (Gốm sơn mài, 2021), Múa đôi (Gốm sơn mài, 2021), Mã đáo thành công (Gốm sơn mài, 2023), Tắm ao tiên (2023), Phú Quý (2023)… đều được anh cẩn trọng tìm hình, tìm dáng cho đất. 

Sự kết hợp giữa gốm “phủ men” sơn mài đã mang lại gấp đôi nét tinh hoa của dân tộc. Từ họa tiết mang tính biểu tượng đúc kết trong văn hóa Đông Sơn, đến sơn mài, chất liệu truyền thống được duy trì và bảo tồn ngàn năm của văn hóa Việt. Màu sắc đa dạng cho người xem liên tưởng tới yếu tố ngũ hành tương sinh trong văn hóa Việt. Sự lung linh của ánh kim vàng tượng trưng cho kim, màu đỏ tượng trưng cho hỏa, màu xanh dương và đen tượng trưng cho thủy, màu nâu thô mộc tượng trưng cho đất, xanh lá cây tượng trưng cho mộc. 

Cách “chơi” màu hiện đại nhưng lại không mất đi giá trị cốt yếu của văn hóa dân tộc. Bằng sáng tạo hiện đại, cùng nhãn quan tinh tế của người nghệ sĩ, Vũ Trung Tần không nói nhiều về tác phẩm của mình, tự thân những đứa con tinh thần ấy đã nói lên tất thảy. Ở đó có tín ngưỡng phồn thực, có sự quan sát của họa sĩ về thay đổi đô thị, về logic hình học được kế thừa tinh hoa nghệ thuật cha ông… 

Thông qua chất liệu, ngôn ngữ tạo hình chắt lọc từ mỹ thuật truyền thống đã thay lời họa sĩ truyền tải thông điệp đến người thưởng lãm. Hoặc, đôi khi chẳng cần, Vũ Trung Tần dành nó cho riêng mình, cho những trải lòng với nghệ thuật truyền thống. Vì với anh, nghệ thuật không phải là để giải thích, nghệ thuật là chính nó và câu chuyện nó kể cho người thưởng lãm. Khi tình yêu nghệ thuật được trải đều sẽ cảm nhận theo nhiều cách khác nhau, là cách mà họa sĩ Vũ Trung Tần lựa chọn để gìn giữ, phát huy và tiếp biến văn hóa dân tộc.

Trang Vũ

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *