KNNT – Với hàng ngàn giờ đào tạo và hơn 50 khóa học quản trị mầm non tổ chức trên toàn quốc, chuyên gia Nguyễn Thị Mai Duyên – Thạc sĩ Tâm lý giáo dục, Giám đốc Viện Đào tạo Qibi – đã và đang đồng hành tận tâm cùng đội ngũ giáo viên, quản lý, chủ trường mầm non. Chị là người góp phần kiến tạo những thay đổi tích cực cho giáo dục mầm non Việt Nam trong thời đại 4.0. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện sâu sắc để lắng nghe hành trình “gieo hạt” và những trăn trở nghề giáo của chị.
Điều gì đã đưa chị đến với con đường đào tạo và truyền nghề cho các cô giáo mầm non, các chủ trường? Có phải từ một cái “duyên” đặc biệt không ạ?
Quả thực, đó là một cái “duyên” rất đặc biệt. Hơn 6 năm trước, tôi và vài người bạn khởi đầu bằng một nhóm lớp mầm non nhỏ ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, với 300 triệu đồng và đam mê cháy bỏng với giáo dục mầm non. Nhưng thực tế lại đầy thử thách: thủ tục pháp lý rắc rối, nhân sự thiếu gắn kết, tuyển sinh chậm, phụ huynh phàn nàn… Có lúc tôi thấy mình như “khổ chủ” trong chính ngôi trường mang tên Hạnh Phúc.

Tôi tìm thầy học, mua các khóa huấn luyện nhưng không mang lại hiệu quả như mong đợi. Những va vấp ấy khiến tôi nhận ra: chỉ khi hiểu rõ thực trạng cơ sở và bản chất vấn đề, mình mới tìm được lối đi đúng. Tôi bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu, kết hợp lý luận với thực tiễn để xây dựng những chiến lược, mô hình hiệu quả. Những gì tôi chia sẻ với đồng nghiệp xuất phát từ mong muốn họ không phải “vật lộn” như tôi từng trải, để yêu trẻ nhỏ trọn vẹn hơn. Từ đó, các khóa đào tạo quản trị mầm non dần hình thành và ngày càng hoàn thiện.

Trong quá trình đồng hành với hàng ngàn cô giáo và chủ trường, điều gì khiến chị trăn trở nhất về ngành mầm non hiện nay?
Điều tôi trăn trở nhất là hầu hết các cô giáo, các chủ trường đều xuất thân từ chuyên môn sư phạm, rất thiếu kiến thức và kỹ năng trong quản trị doanh nghiệp. Một cơ sở mầm non, xét về bản chất, là một mô hình kinh doanh giáo dục – nơi đòi hỏi người lãnh đạo phải hiểu về tài chính, nhân sự, marketing, pháp lý và chất lượng đào tạo. Tôi từng chứng kiến nhiều trường học kín trẻ mà chủ đầu tư vẫn không thấy lợi nhuận đâu. Có những ngôi trường mãi không thể phát triển vì chương trình học không hấp dẫn, nhân sự yếu kém. Đó là hệ quả của việc thiếu kiến thức nền tảng về vận hành và quản lý ứng dụng công nghệ 4.0.

Chị hay nhắc đến “quản trị trường mầm non thời 4.0”. Chị có thể giải thích một cách dễ hiểu hơn không?
“Quản trị mầm non thời 4.0” là cách nói về việc quản lý và vận hành nhà trường trong bối cảnh công nghệ số đang bùng nổ. Công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn hay Internet vạn vật đã và đang thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống. Điều đó có nghĩa là các trường mầm non, cũng giống như bất kỳ doanh nghiệp nào đều cần phải liên tục đổi mới, thích ứng, và vận hành một cách linh hoạt để bắt kịp với thay đổi nhanh chóng từ phụ huynh, xã hội, và cả các đối thủ cạnh tranh.
Chỉ cần “ổn định” là đã tụt hậu. Phải cập nhật, đổi mới, và thích nghi không ngừng, đó là bản chất của quản trị trong thời đại 4.0.
Vậy trong hàng chục khóa đào tạo đã tổ chức, có kỷ niệm nào khiến chị nhớ mãi không?
Có vô vàn kỷ niệm đáng nhớ, nhưng điều khiến tôi xúc động nhất là sau mỗi chương trình chuyển hóa tâm thức, hàng trăm thầy cô cùng khóc, cùng cười, cùng thổn thức và nhận ra sứ mệnh cao đẹp của mình. Khoảnh khắc ấy, khi họ “giác ngộ” rằng nghề giáo viên mầm non là một nghề “tích phước”, là thiêng liêng, là thứ khiến tôi cảm thấy mọi nỗ lực đều xứng đáng. Tôi hay nói với họ rằng: “Trên tường có thể có camera ở mọi góc, nhưng sẽ không cái nào sắc nét hơn camera lương tâm của chính mình”.
Khi hỗ trợ tái cấu trúc trường mầm non, chị thường bắt đầu từ đâu? Có “bí quyết” nào chị có thể chia sẻ thêm không ạ?
Tôi luôn bắt đầu bằng khảo sát thực trạng, từ cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự đến phương pháp vận hành. Giống như một bác sĩ phải khám tổng quát trước khi kê đơn. Mỗi ngôi trường là một “cơ thể” sống có đặc điểm riêng biệt, nên cần lắng nghe cẩn thận.
Bí quyết của tôi là: người đứng đầu phải không ngừng học hỏi, phát triển bản thân, thích nghi với mọi thay đổi xã hội. “Lãnh đạo nào, phong trào đó”. Khi người chủ trường tràn đầy năng lượng, tinh thần cầu tiến thì tập thể cũng tự khắc sẽ vận hành mạnh mẽ và hiện đại hơn.
Trước khi khép lại buổi chia sẻ này, chuyên gia Nguyễn Thị Mai Duyên có thể gửi gắm một lời động viên tới các cô giáo mầm non trên cả nước được không?
Tôi xin được chia sẻ thêm rằng khó khăn lớn nhất tôi nhận thấy là cha mẹ ngày nay phải chịu rất nhiều áp lực, từ tài chính, công việc, đến những biến động xã hội. Họ thiếu thời gian để thực sự quan tâm đến con, không kịp cập nhật kiến thức nuôi dạy phù hợp với thời đại mới. Nhiều phụ huynh bị “mất kết nối” với con mình – ngay trong chính ngôi nhà họ đang sống. Mà việc giáo dục một đứa trẻ cần sự phối hợp, đồng hành giữa nhà trường và gia đình, chỉ khi cả hai cùng thấu hiểu, trẻ mới có thể phát triển toàn diện.

Trong thời đại số, máy móc có thể thay thế gần như mọi thao tác kỹ thuật, nhưng không bao giờ thay thế được tình cảm gia đình hay trái tim của người thầy. Giáo viên mầm non đừng quên rằng: chính bạn là người truyền cảm hứng đầu tiên cho một thế hệ. Hãy luôn học hỏi, đổi mới, sáng tạo, và mang trong mình một trái tim ấm nóng để có thể vững vàng trước mọi biến động của thời đại.
Qua chuyên mục này hôm nay, xin chân thành cảm ơn chuyên gia Nguyễn Thị Mai Duyên đã dành thời gian chia sẻ những câu chuyện chân thực và đầy cảm hứng. Hành trình “gieo hạt” của chị không chỉ truyền cảm hứng cho các cô giáo mầm non, mà còn lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc đến cộng đồng giáo dục. Trong kỷ nguyên 4.0, sự tận tâm và tư duy đổi mới của chị chính là ngọn lửa dẫn đường, giúp các nhà giáo vững vàng và phát triển bền vững. Mong rằng những giá trị mà chị đang vun đắp sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trên hành trình phía trước.
Hẹn gặp lại quý độc giả trong các chuyên mục giáo dục kỳ sau!
- Photographer Lê Hữu Hà và hành trình ghi dấu ấn qua lăng kính máy ảnh
- Hảo Latany – Thương hiệu đào tạo nghề làm đẹp ưu Việt tại Hà Nội
- Nam Tattoo – Khi mỗi hình xăm chính là một câu chuyện đáng nhớ
- Studio Sol Academy & Makeup: Nâng tầm nghệ thuật trang điểm với chất lượng và sự chuyên nghiệp
- Phan Đạt tiết lộ 3 cái tên “đáng buồn” nhất làng hài Vbiz