Hướng phát triển áo dài trong đời sống đương đại

Chiều 9-7, Sở VH-TT Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Hướng phát triển của áo dài trong đời sống đương đại”.

Hội thảo thu hút 28 tham luận của các nhà nghiên cứu, quản lý cùng các nhà thiết kế, nghệ nhân liên quan đến lĩnh vực thiết kế, may đo, trình diễn, phân phối áo dài truyền thống ở Hà Nội, Huế và TPHCM.

Nhìn tổng quan câu chuyện áo dài, GS.TS Thái Kim Lan, Giám đốc Bảo tàng Gốm cổ sông Hương nhận xét, áo dài đang trở thành thời trang trong thời hiện đại. Tuy nhiên, giữa thời trang và bản sắc văn hóa còn một khoảng cách cần vượt qua, mà tập thể và cộng đồng chính là chủ thể.

Hướng phát triển áo dài trong đời sống đương đại ảnh 1
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa trình bày tham luận tại hội thảo

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, thời đại đã đổi khác, nhu cầu cuộc sống hiện nay cũng khác xưa, nhưng áo dài cũng như một số di sản văn hóa của cố đô Huế vẫn là một tài sản trí tuệ độc đáo, là tài nguyên văn hóa của vùng đất di sản. Tài sản đó cần được bồi đắp thêm những giá trị mới để kết nối với mạch nguồn xưa, nhưng cần tránh không để bị lai căng, dung tục hóa.

“Thực tế, ngay trong những ngày được hồi sinh, chiếc áo dài ngũ thân xưa cũng không còn đúng nguyên mẫu. Vật liệu vải, kỹ thuật may thêu, nhuộm màu… cũng đã khác xưa, nhưng quan trọng nhất là hồn xưa vẫn còn trong vóc dáng của thời đại mới. Vì vậy, cần phải hết sức chú trọng giữ cho được hồn cốt xưa, nhưng phải cải tiến để phù hợp với cuộc sống hiện đại”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ.

Hướng phát triển áo dài trong đời sống đương đại ảnh 2
Hướng phát triển áo dài trong đời sống đương đại ảnh 3
Lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát, người có công định chế áo dài Việt Nam

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, việc bảo tồn, phát huy và làm hồi sinh giá trị di sản áo dài Huế không chỉ là nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành văn hóa mà khó nhất vẫn là làm sao cho người Huế cùng đồng hành, cùng làm cho tài nguyên văn hóa này trở thành một lợi thế để thúc đẩy sự phát triển về văn hóa, kinh tế và xã hội của cộng đồng người Huế.

Đồng thời, đề nghị tập trung lập hồ sơ trình Trung ương ghi danh Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hướng phát triển áo dài trong đời sống đương đại ảnh 4
Hướng phát triển áo dài trong đời sống đương đại ảnh 5
Lễ hội áo dài cộng đồng năm 2023 tại làng cổ Phước Tích

Hội thảo tập trung “mổ xẻ” các giải pháp để bảo vệ, phục hồi, nâng cao giá trị và phổ biến, lan tỏa áo dài trong bối cảnh xã hội hiện nay; các chính sách, sáng kiến để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, may đo, sản xuất, trình diễn, phân phối áo dài; giải pháp để thể chế hóa và xây dựng được các chính sách để bảo vệ, tôn vinh và phát huy các giá trị áo dài truyền thống.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để phát huy giá trị áo dài, UBND tỉnh này vừa phê duyệt đề án “Huế – Kinh đô áo dài”.

Theo đó, đề án được đánh giá sẽ khai thác, phát huy các thế mạnh về văn hóa, con người Huế, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; phù hợp với nguồn lực, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh với mục tiêu tới năm 2025 hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ; tổ chức định kỳ tuần lễ áo dài cộng đồng Huế trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế; xây dựng được bộ truyền thông về áo dài Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế – Kinh đô áo dài”; hình thành 1 sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế.

Đến năm 2030, sẽ hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo áo dài phục vụ khách du lịch; ban hành tối thiểu 1 chính sách hỗ trợ phát triển áo dài Huế; hoàn thiện hồ sơ nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, một quốc gia có lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm với nền văn hiến lâu đời thì không thể không có quốc phục và lễ phục.

“Theo tôi, hoàn toàn có thể quy định lễ phục của người Việt Nam là áo dài truyền thống, bao gồm cả hai giới nam và nữ. Chiếc áo dài của ta hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu về tính trang trọng, vẻ đẹp, bản sắc văn hóa… của một bộ lễ phục. Nhưng cần quy định cụ thể về quy cách, màu sắc, họa tiết trang trí và cả các phụ kiện đi kèm”, TS Phan Thanh Hải nhìn nhận.

Theo https://www.sggp.org.vn/

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *